Đau cơ vai là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Đau mỏi cơ vai là hiện tượng hàng đầu của các bệnh lý xương khớp. Nguyên nhân chính xuất phát từ cách sinh hoạt, làm việc hằng ngày. Tuy nhiên, ẩn đằng sau triệu chứng đau cơ vai còn là những bệnh nguy hiểm khác mà người bệnh không nên coi thường.
1. Triệu chứng đau cơ vai
Đau cơ vai là triệu chứng thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là ở trung niên và cao tuổi, vì đây là lúc cơ thể bước vào quá trình lão hóa khiến sự co giãn của cơ trở nên kém đi. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà có những triệu chứng đau cơ vai khác nhau.
Ban đầu cơn đau có thể lan từ vùng bả vai lên thái dương, hoặc lan xuống cánh tay, bàn tay. Có một số trường hợp người bệnh chỉ bị đau cơ vai trái, hoặc đau cơ vai phải, sau một thời gian người bệnh sẽ có cảm giác tê mỏi ở bên tay đau, đây là biểu hiện của rối loạn phản xạ gân xương.
Ngoài các cơn nhức cơ vai, người bệnh còn có các triệu chứng kèm theo như mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, giảm trí nhớ, tư duy kém,… Nhưng những biểu hiện đau cơ vai trên mỗi người lại khác nhau, phụ thuộc vào nguyên nhân đau cơ vai. Vì thế để có hướng điều trị hiệu quả, người bệnh cần xác định được nguyên nhân gây đau cơ vai.
2. Nguyên nhân đau cơ vai
- Nguyên nhân cơ học
Việc người bệnh làm việc, sinh hoạt sai tư thế như nằm ngủ một tư thế quá lâu, nằm nghiêng và co quắp người khiến cơ bắp bị chèn ép, gân cơ căng quá lâu khiến đau cơ vai, đặc biệt là đau cơ vai khi khi thức dậy. Đối với những người tập luyện thể dục thể thao, hoặc từng có chấn thương vai thì sẽ dễ bị đau cơ vai khi tập tạ, khi vận động.
Làm việc quá sức, bê vác vật nặng trên vai cũng khiến sai khớp xương, rách cơ hoặc gân (chỏm các cơ xoay, gân cơ nhị đầu) làm người bệnh bị đau mỏi cơ vai. Đối với những nhân viên văn phòng thì việc phải ngồi một chỗ quá lâu, làm việc trước màn hình máy vi tính hàng giờ liền, vì vậy nhóm cơ vùng cổ sẽ bị mỏi và lan xuống bả vai, gây đau mỏi cơ vai gáy.
- Rối loạn chức năng thần kinh
Vì một số ảnh hưởng từ quá trình vận động, rèn luyện mà các dây thần kinh vùng vai gáy bị kéo dãn, kéo căng quá mức gây ra sự rối loạn chức năng thần kinh của khu vực này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra các cơn đau mỏi cơ vai.
- Các bệnh lý xương khớp
Một số bệnh về khớp như viêm bao hoạt dịch, viêm khớp, viêm gân, viêm cơ,… khiến người bệnh bị đau mỏi cơ vai.
Thường gặp nhất là do người bệnh bị thoái hóa đốt sống cổ do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Trường hợp này hay xảy ra ở độ tuổi 40-50. Bệnh này gây ra hiện tượng chèn ép dây thần kinh khu vực cổ, vai, gáy dẫn tới các cơn đau, nhức buốt và mỏi.
- Các bệnh lý khác
Nhẹ nhất là trường hợp người bệnh bị đau cơ vai do cơ thể nhiễm phong hàn (nhiễm lạnh), thường thấy ở những người ngồi làm việc trong phòng điều hòa nhiều, phòng có nhiệt độ quá lạnh.
Đau cơ vai khi gắng sức còn có thể do bệnh tim gây nên, ngoài ra còn liên quan đến các bệnh ở ổ bụng, viêm màng phổi, viêm màng ngoài tim,… Nặng hơn là đau cơ vai do ung thư phổi, vì lúc này xuất hiện một khối u ở nửa trên của phổi, gọi là u Pancoast chèn ép vào các dây thần kinh chi phối vai, cánh tay, cột sống và đầu, gây ra hội chứng Horner.
Đau cơ vai còn có thể xảy ra khi ung thư phổi di căn xuống xương hoặc khu vực xung quanh vai, cột sống. Đây gọi là hiệu ứng khối, gây đè vào các cấu trúc gần đó dẫn tới đau vai.
3. Phương phảp điều trị đau cơ vai
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân đau cơ vai mà có cách điều trị đau cơ vai khác nhau. Trường hợp nặng nhất là được bác sĩ chuyên khoa ung thư phổi thì người bệnh nên điều trị ung thư càng sớm càng tốt.
Nếu bị đau cơ vai do các nguyên nhân khác thì người bệnh cần tìm đến những bài tập vật lý trị liệu. Bạn có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà trước khi đến gặp bác sĩ, như tránh các hoạt động nặng gây chấn thương cơ vai, chườm đá 15-20 phút nhằm giảm đau hoặc sưng tấy, có thể sử dụng băng khớp vai lại để hạn chế các cử động quá mức. Khi ngủ nên giữ cho vai ở trên mức tim, bằng cách sử dụng gối chèn dưới vai.
Người bệnh cần xây dựng một chế độ vận động, nghỉ ngơi hợp lý để cơ bắp và xương khớp được thư giãn. Luyện tập các bài thể dục nhẹ nhàng, như dưỡng sinh, yoga,… Tắm nước ấm, xoa bóp tại nhà để giúp máu lưu thông tốt hơn, giúp giảm đau nhanh.
Bổ sung thêm các loại khoáng chất như canxi, kali, magie và vitamin B, C, E vào chế độ ăn uống hằng ngày để giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng.
Quan trọng nhất các bạn nên đến các trung tâm y tế uy tín để thăm khám và nghe theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
- Sử dụng thuốc Tây y
Dưới đây là một số thuốc giảm đau cơ vai, điều trị đau vai gáy thường được sử dụng:
Thuốc giảm đau acetaminophen như paracetamol, tylenol 8H hoặc kết hợp thuốc acetaminophen với tramadol hay codein. Thuốc kháng viêm không steroid như diclofenac, meloxicam celecoxib,…
Trong trường hợp ngường bệnh bị những cơn đau cấp gây cứng cơ thì nên sử dụng những thuốc giãn cơ như mydocalm, myonal, hay diazepam. Ngoài ra, mỗi ngày sử dụng một viên vitamin E 400mg cũng mang lại hiệu quả tốt.
Tuy nhiên, người bệnh cần tuân theo chỉ định và sự hướng dẫn sử dụng của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc vì có thể sẽ gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.
- Sử dụng thuốc Đông y
Bài thuốc 1: Đương quy 12 gram, bạch thược 12 gram, hoàng kỳ 12 gram, nghệ vàng 12 gram, khương hoạt 8 gram, phòng phong 8 gram, quế chi 6 gram, cam thảo 4 gram, gừng tươi 4 gram, táo tầu 3 quả. Sắc tất cả các nguyên liệu trên thành 1 thang, uống 2 lần trong ngày.
Bài thuốc 2: Ma hoàng 12 gram, đại táo 12 gram, hoàng kỳ 12 gram, bạch chỉ 12 gram, quy xuyên 12 gram, xích thược 12 gram, quế chi 8 gram, sinh khương 8 gram, phòng phong 8 gram, hoàng đằng 8 gram, khương hoạt 8 gram, trích thảo 4 gram. Sắc lên, mỗi ngày uống 1 thang.
Ngoài việc uống thuốc Đông y, người bệnh có thể kết hợp các phương pháp khác của Đông y như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu để giảm đau hiệu quả.
Hoàng Nguyên (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!