Thế nào là bệnh vôi hóa cột sống? Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh
Khi bạn bước vào tuổi 40 nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp càng gia tăng. Một trong số đó là bệnh vôi hóa cột sống, hay còn gọi là bệnh gai cột sống. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới, tuy nhiên tỷ lệ phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh mắc bệnh cũng rất cao.
1. Bệnh vôi hóa cột sống là gì?
Bệnh vôi hóa cột sống được xếp vào nhóm bệnh lý liên quan đến sự biến đổi cấu trúc xương canxi bị lắng tụ trên các dây chằng bám vào thân cột sống, hay các mấu gai, mấu ngang của cột sống. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa gây ra bệnh lại chính là do thoái hóa, sự lão hóa tự nhiên của cơ thể gây ra những tổn thương ở sụn và xương dưới sụn, tác động này cộng với nhiều yếu tố bên ngoài lại càng làm bệnh gia tăng.
Bệnh vôi hóa cột sống gây ra các gai, cọ xát vào xương và phần mềm xung quanh gây đau
Không chỉ thắc mắc bệnh vôi hóa cột sống là gì nhiều người con quan tâm đến lứa tuổi và đối tượng bị bệnh. Bệnh thường phổ biến ở những người trung niên và cao tuổi. Nam giới có khả năng bị bệnh cao hơn so với nữ giới do họ phải thường xuyên lao động nặng. Nhưng không vì thế mà phụ nữ ít bị bệnh vôi hóa cột sống, những phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh và tiền mãn kinh dễ bị bệnh do hoocmon trong cơ thể đang thay đổi. Bên cạnh đó, đối tượng lao động chân tay thường xuyên, hoặc người bị béo phì thừa cân cũng dễ mắc bệnh.
Riêng ở người trẻ, do thói quen ngồi nhiều, lười vận động đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình lưu thông máu tới nuôi dưỡng các khớp. Điều này khiến xương khớp dần bị thiếu dưỡng chất, yếu đi, thúc đẩy nhanh quá trình sinh bệnh.
2. Triệu chứng bệnh vôi hóa cột sống
Triệu chứng phổ biến của bệnh vôi hóa cột sống
- Hiện tượng bệnh vôi hóa cột sống thường được biểu hiện rõ rệt khi các gai cọ xát vào xương, hoặc phần mềm xung quanh xương như dây chằng, rễ dây thần kinh khiến người bệnh cảm thấy đau đớn.
- Cơn đau còn xuất hiện ở cổ, thắt lưng. Đau nhiều khi người bệnh đứng lên hoặc vận động.
- Dấu hiệu bệnh vôi hóa cột sống không chỉ dừng lại ở đó, cơn đau còn lan xuống vai kèm nhức đầu (đối với gai ở cột sống cổ); đau lan xuống chân (đối với gai ở cột sống lưng).
- Do cơn đau tăng khi cử động và giảm khi nghỉ ngơi nên càng để lâu nó càng gây hạn chế cử động tại nhiều phần trên cơ thể người bệnh.
- Khi các dây thần kinh bị chèn ép ngày càng nhiều, người bệnh sẽ cảm thấy cơ bắp yếu đi.
- Khi ống tủy bị thu hẹp quá, người bệnh còn bị rối loạn đại tiểu tiện, mất đi cảm giác.
Nhìn chung những triệu chứng bệnh vôi hóa cột sống kể trên cũng khá giống với các bệnh viêm thấp khớp, chấn thương lưng, đứt đĩa liên sống,… nên cần thăm khám kịp thời để phân biệt bệnh vôi hóa cột sống với các bệnh khác, từ đó mới có cách điều trị bệnh vôi hóa cột sống chính xác được.
3. Nguyên nhân bệnh vôi hóa cột sống
- Nguyên nhân bệnh vôi hóa cột sống đầu tiên là do sự xuất hiện các gai xương. Cụ thể, gai xương sinh ra là kết quả của việc xương tự tu bổ sau khi liên tục bị chấn thương tại một vị trí.
- Do đĩa liên sống bị hư hao, dần xẹp xuống, dây chằng giữa các đốt sống chùng giãn khiến khớp phải chuyển động nhiều hơn.
- Khi xuất hiện sự chùng giãn của dây chằng thì phản ứng tự nhiên của cơ thể là làm cho dây chằng dầy lên nhằm giữ vững cột sống.
- Dây chằng dầy lên khiến ống tủy dần bị thu hẹp, ép vào các dây thần kinh và gây ra những dấu hiệu bệnh.
- Yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát sinh bệnh trên cơ thể.
- Chế độ ăn uống hằng ngày kém dinh dưỡng, nếp sống không lành mạnh, tư thế làm việc không đúng, thường xuyên bị chấn thương (do tai nạn giao thông, chơi thể thao, lao đông,..) đều là những rủi ro gây ra bệnh vôi hóa cột sống.
4. Tổng hợp những phương pháp điều trị bệnh vôi hóa cột sống
Thực tế, sau khi thăm khám tại bệnh viện thì các bác sĩ chuyên khoa thường khuyên người bệnh có thể không phải điều trị khi bệnh chưa gây ra các cơn đau. Còn khi đã xuất hiện một số triệu chứng bệnh kể trên thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị bệnh vôi hóa cột sống phù hợp với từng giai đoạn bệnh.
- Sử dụng thuốc Tây y
Khi có hiện tượng sưng viêm thì người bệnh cần phải nghỉ ngơi, chườm đá, sử dụng thuốc chữa bệnh vôi hóa cột sống theo chỉ định và liều lượng của bác sĩ kê. Những thuốc thường dùng là thuốc giảm đau paracetamol, celecoxib, melocicam, thuốc giãn cơ như eperison, bổ sung vitamin B1, B6, B12.
- Vật lí trị liệu
Ngoài dùng thuốc thì người bệnh còn được kết hợp điều trị bằng cách thực hiện các bài tập chữa bệnh vôi hóa cột sống. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh luyện tập xương khớp, thực hành những bài tập yoga tốt cho cơ thể.
Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng sưng viêm thì người bệnh còn được xoa bóp, bấm huyệt và châm cứu.
Tuy kết hợp đầy đủ những phương pháp trên nhưng quan trọng nhất vẫn là người bệnh tự chủ động sinh hoạt khoa học, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Tránh làm việc nặng, gắng sức trong thời gian dài, khi ngủ nên dùng gối thấp, nằm trên giường cứng. Thực hiện một vài môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi, đạp xe đạp để cơ thể dẻo dai hơn.
- Thuốc nam chữa bệnh vôi hóa cột sống
Sử dụng thuốc Tây y có thể mang lại một số tác dụng phụ không mong muốn nên nhiều người tìm đến cách chữa bệnh bằng thuốc Nam. Những bài thuốc Nam chữa bệnh vôi hóa cột sống cho thấy hiệu quả tích cực, không gây tác dụng phụ và giá thành rẻ, phù hợp với mọi đối tượng.
Dưới đây là cách chữa bệnh vôi hóa cột sống bằng hai bài thuốc Nam phổ biến, làm từ các nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên:
-Bài thuốc Nam chữa bệnh vôi hóa cột sống từ cây ngải cứu
Nguyên liệu: Lá ngải cứu tươi, mật ong nguyên chất
Cách thực hiện: Lá ngải cứu tươi rửa sạch, xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt. Trộn nước cốt ngải cứu cùng mật ong nguyên chất để tạo thành hỗn hợp đồng nhất. Mỗi ngày đều uống nước này để giảm các cơn đau do bệnh gây ra.
Ngoài cách uống nước ngải cứu, người bệnh còn nên kết hợp với việc chườm nóng lá ngải cứu. Cách thực hiện cùng khá đơn giản: giã nát lá ngải cứu rồi trộn với muối trắng, sao khô rồi bọc vào tấm vải mỏng chườm lên vùng bị gai xương. Vừa chườm vừa xoa bóp để phát huy tốt nhất tác dụng chữa trị.
-Bài thuốc Nam chữa bệnh vôi hóa cột sống từ cây đinh lăng
Nguyên liệu: Sử dụng rễ cây đinh lăng, rượu trắng
Cách thực hiện: Rễ cây đinh lăng rửa sạch, cắt nhỏ. Đem ngâm cùng rượu trắng trong vòng 7 ngày. Sau 7 ngày lấy ra uống, mỗi ngày 1 ly nhỏ. Kết hợp uống và đắp lá đinh lăng để giảm đau, sưng viêm, hạn chế gai xương phát triển.
Hoặc áp dụng bài thuốc uống với nguyên liệu chính là lá hoặc thanh cành đinh lăng. Thái nhỏ nguyên liệu rồi sao khô, sắc thành nước thuốc. Mỗi ngày uống 3 lần. Kiên trì uống liên tục trong 1 tháng để giảm nhanh các cơn đau nhức ở cột sống.
- Phẫu thuật cắt bỏ gai
Khi bệnh vôi hóa cột sống đã tiến triển nặng, khiến các gai chèn ép mạnh vào hệ thần kinh làm cho người bệnh bị tê bì tay chân, đau nhức tứ chi, hạn chế nhiều trong sinh hoạt thì bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ gai.
Mặc dù người bệnh có thể khỏi bệnh và mất đi những cảm giác đau đớn khó chịu do bệnh gây ra nhưng đây không được xem là phương pháp điều trị bệnh vôi hóa cột sống hữu hiệu, vì có nhiều khả năng các gai xương vẫn có thể mọc trở lại và gây ra bệnh.
Hoàng Nguyên (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!