Những nguyên nhân phổ biến gây đau lòng bàn chân
Khi lòng bàn chân bị đau người bệnh thường khó khăn khi đi lại, không thể vận động mạnh vì chỉ cần một tác động nhỏ cũng khiến lòng bàn chân đau nhói. Vậy nguyên nhân từ đâu mà gây ra tình trạng đau lòng bàn chân, và điều trị như thế nào để giảm đau lòng bàn chân.
1. Dấu hiệu đau lòng bàn chân
Cấu tạo dưới lòng bàn chân bao gồm một sợi dây có các mô liên kết chúng chạy từ vị trí gót chân tới các ngón chân, phần này được gọi chung là cân mạc cung bàn chân, tên tiếng Anh là Planta Fascia. Sợi dây này có nhiệm vụ chính là hỗ trợ cho bàn chân được chuyển động nhẹ nhàng và dễ dàng hơn. Ngoài ra nó còn có tác dụng chống đỡ cho chân, chịu đựng toàn bộ sức nặng của cơ thể.
Vị trí cân mạc cung bàn chân
Những dấu hiệu đau lòng bàn chân dễ phát hiện nhất chính là biểu hiện đau bàn chân, cảm giác châm chích dưới lòng bàn chân, nóng gan bàn chân, đau xương khớp bàn chân. Phụ nữ mang thai cũng là đối tượng dễ bị đau lòng bàn chân. Thường sẽ bị đau lòng bàn chân khi mang thai và đau lòng bàn chân sau sinh.
Rõ nhất là đau lòng bàn chân khi ngủ dậy, hoặc khi mang giày, khi vận động, ví dụ như đau lòng bàn chân khi chạy. Những lúc này, người bệnh thường bị đau nhói, đau tê lòng bàn chân, chân không bị sưng hay có những biểu hiện bên ngoài gì.
Cơn đau căng tức lòng bàn chân càng tăng lên khi hoạt động, đi lại nhiều, cơn đau chỉ giảm sau một thời gian nghỉ ngơi. Nhất là khi ngủ thì người bệnh sẽ không bị đau vì lúc này bàn chân đang ở trong tư thế nghỉ ngơi, thư giãn.
2. Nguyên nhân đau lòng bàn chân
- Do tuổi tác
Thường những người trung niên và cao tuổi, cơ thể bước vào thời kỳ lão hóa khiến cân mạc ít đàn hồi, lớp mỡ bao bọc ngày càng mỏng đi, khiến lực chống sốc kém hiệu nghiệm, cân mạc bị hao mòn và rách dần, dẫn tới tình trạng viêm đau lòng bàn chân.
- Do tính chất công việc
Đối với những người làm công việc phải đứng nhiều trên bề mặt bằng cứng như vận động viên điền kinh, nhân viên bán hàng, công nhân,… phải đứng liên tục trong thời gian dài trên hai bàn chân.
Những vận động viên chơi bóng chuyền, quần vợt, nhảy múa cũng thường bị đau lòng bàn chân. Do họ phải vận động nhiều, cân mạc luôn ở trong tình trạng căng thẳng, nếu không mang giày êm phù hợp thì dễ bị rách dẫn đến yếu và gây ra tình trạng viêm đau.
- Mang giày không phù hợp
Việc mang giày quá cũ, không vừa với bàn chân hoặc đi giày cao gót quá lâu cũng là nguyên nhân đau lòng bàn chân khá phổ biến. Điển hình như việc mang giày cao gót khiến dây gân gót chân có thể co rút và bị ngắn lại, khiến những mô xung quanh gót chân bị căng ra và dễ tổn thương.
- Người bị béo phì, thừa cân
Những người béo phì, thừa cân nặng, và cả phụ nữ mang thai tăng cân nhanh đều là những đối tượng bị đau lòng bàn chân, vì bàn chân luôn phải gồng lên chịu đựng sức nặng của cơ thể.
- Người có cấu tạo bàn chân phẳng, vòm chân không có độ cong
Cấu tạo bàn chân như vậy cũng là một trong những nguyên nhân đau lòng bàn chân, khiến cho toàn bộ lòng bàn chân nằm áp sát trên mặt đất, cân mạc thường xuyên phải hoạt động căng thẳng. Nhưng ngược lại, những người có cung bàn chân quá cong cũng dễ bị đau lòng bàn chân do bị viêm cân mạc.
- Người có bàn chân quay sấp vào trong quá mức
Những người có cấu tạo bàn chân như vậy thì khi di chuyển phần trong của gót chân sẽ tiếp xúc xuống mặt đất trước, lúc này toàn bộ sức nặng của cơ thể sẽ dồn hết xuống phía trong bàn chân rồi chuyển trọng lượng đến ngón chân cái. Như vậy, người có bàn chân quây sấp vào trong quá mức, sức nặng cơ thể sẽ đè trực tiếp xuống phía trong phần gót chân và vòm chân gây đau lòng bàn chân.
- Do bệnh lý xương khớp
Trước những cơn đau, người bệnh luôn muốn biết đau lòng bàn chân là bệnh gì? Và tất nhiên đau lòng bàn chân đôi khi là biểu hiện ban đầu của một số bệnh lý xương khớp, điển hình như bệnh viêm cân gan bàn chân, bệnh gout, suy tĩnh mạch chi dưới.
Ngoài ra, nguyên nhân đau lòng bàn chân còn đến từ bệnh viêm bao hoạt dịch gân gót, mọc gai xương gót, hội chứng đường hầm cổ chân,…
3. Cách chữa đau lòng bàn chân hiệu quả
- Nghỉ ngơi, tập luyện
Ngay khi xuất hiện những cơn đau tê lòng bàn chân, đau xương lòng bàn chân người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh đi lại quá nhiều hay vận động mạnh. Cách giảm đau lòng bàn chân ngay tức khắc trong lúc này là chườm đá lạnh khoảng mười phút, làm 4 – 5 lần trong một ngày cho tới khi cơn dau dịu xuống.
Những bài tập vật lý trị liệu và massage chân cũng giúp thư giãn cân mạc, đưa lại hiệu quả giảm đau ở dưới lòng bàn chân. Mục đích chính của bài tập vật lý trị liệu là giúp kéo dãn cân gan chân, giảm căng cơ tại gan chân. Để đạt được hiệu quả cao nhất, người bệnh cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Ấn huyệt là một trong những cách chữa đau lòng bàn chân hiệu quả
- Châm cứu, ấn huyệt
Những thầy thuốc Đông y sẽ chữa đau ở lòng bàn chân bằng cách xác định các huyệt vị dưới lòng bàn chân rồi dùng ngón tay ấn từ nhẹ đến mạnh, thực hiện trong vài phút sau đó thời gian bấm huyệt sẽ được rút ngắn lại.
Sau đó, tập trung day ấn huyệt dũng tuyền ở gan bàn chân trong vòng 1 phút. Tiếp theo là châm cứu tại các huyệt côn lôn, dương lăng tuyên, huyết hải, phong trì nhằm giảm đau nhức chân và thư giãn cơ bắp.
Người bệnh không nên tự ý thực hiện phương pháp chữa đau lòng bàn chân này vì chỉ cần một chút sai lệch sẽ đưa lại tác dụng ngược lại. Tốt nhất người bệnh chỉ nên thực hiện tại các trung tâm y tế uy tín, bởi các bác sĩ có chuyên môn cao.
- Dùng thuốc trị đau lòng bàn chân
Trong điều trị bằng Tây y, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định người bệnh sử dụng các thuốc chống viêm, giảm đau như Paracetamol, Celecoxib, Ibuprofen, Meloxicam, Naproxen,…
Tuy nhiên, các loại thuốc này thường gây ra một số phản ứng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe nên người bệnh chỉ được dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc.
Tiếp tục đọc: Khám chữa xương khớp ở bệnh viện nào tốt nhất tại HN và TPHCM?
Hoàng Nguyên (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!